Ngoài chanh, me, giấm; vị chua của nồi canh có thể đến từ cơm mẻ, lá giang, lá cóc, trái giác, xoài non, chùm ruột, khế, bứa, bần… Chẳng hạn, canh chua cá lóc, hấp dẫn nhất là nấu với cơm mẻ; canh tôm, cua nấu với me phải là thứ me non.
Còn cá trê, cá ngát mà nấu với bần thì được xếp vào mức ngon nức tiếng. Lươn nấu chua với đọt cóc; gà nấu với lá giang; cá rô, cá chép nấu với trái giác; cá linh non nấu với bần… đều là những món khi đã ăn thì khó mà quên được. Ngoài ra, người dân quê còn có sáng kiến tôm nấu với trứng kiến vàng, cá nấu với dưa môn… mùi vị thơm ngon độc đáo.
Tất cả các loại trái và lá rừng đều có nguồn gốc từ thiên nhiên, nhưng mỗi thứ có vị chua, độ chua khác nhau, tạo nên hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được. Vị chua chua, dìu dịu của lá giang hòa quyện với vị ngọt đậm của thịt gà sẽ làm nồi canh chua gà nấu lá giang có mùi thơm kỳ lạ; cá linh non nấu với trái bứa thì trên cả tuyệt vời.
Nói đến nồi canh chua mà bỏ quên vai trò của rau thơm thì quá bất công. Bởi vì dù thịt cá ngon cỡ nào, người nấu khéo léo đến đâu mà thiếu ngò om, húng chanh, ngò gai, húng quế… coi như nồi canh đó chẳng còn ý nghĩa gì. Các loại rau nêm ngoài mùi thơm, kích thích vị giác còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thực, lợi tiểu và chống được vi khuẩn. Mới nhìn nồi canh chua đẹp mắt, hài hòa với đầy đủ ngũ sắc (đen, đỏ xanh, trắng, vàng) và ngũ vị (mặn, béo, chua, cay, ngọt) cũng đủ tác động vào mọi giác quan, giúp người ta chưa ăn đã thấy ngon.
Theo TN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bình luận bài viết này !
webamthucviet.blogspot.com